Thất vọng về cử tạ Việt Nam
38 lực sĩ ở nhiều hạng cân lớn, nhỏ đã thất bại hoàn toàn, không đạt được kết quả tổng cử khi tổng kết Giải cử tạ vô địch quốc gia năm 2016. Trước khi giải tranh tài, ai cũng tin chắc sẽ không có sơ xảy nào về chuyên môn. Sự vắng mặt duy nhất chỉ là Thạch Kim Tuấn (hạng 56 kg, đơn vị TP Hồ Chí Minh) còn lại những VĐV mạnh nhất trong các nội dung đều tham dự. Vào giải, bất ngờ liên tiếp xảy ra. Lực sĩ được chủ nhà Đà Nẵng kỳ vọng nhất và tin chắc sẽ giành Huy chương vàng nội dung 56 kg là Trần Lê Quốc Toàn lại thất bại cay đắng. Toàn bước vào cử giật thì thất bại trong cả ba lần đăng ký tạ cùng trong mức 120 kg. Về cử đẩy, trong ba lần thực hiện, Quốc Toàn chỉ một lần nâng được tạ 148 kg và hai lần sau để rơi tạ. Giống Trần Lê Quốc Toàn, lực sĩ trẻ Nguyễn Trần Anh Tuấn (TP Hồ Chí Minh) không thành công ở cả ba lượt cử giật. Hết hai ngày đầu thi đấu, đã có 24 lực sĩ thất bại hoàn toàn, không đạt kết quả chung cuộc, sau đó lần lượt là 14 trường hợp khác tương tự như vậy trong những ngày thi đấu còn lại của giải.
Trong thời gian giải đấu diễn ra, Phó Vụ trưởng Thể thao thành tích cao 2 (Tổng cục Thể dục - Thể thao) Đỗ Đình Kháng đã tránh giải đáp mọi sự thắc mắc từ giới truyền thông. Ông Kháng là người giám sát trực tiếp chuyên môn giải đấu ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau này, ông có chia sẻ khá thận trọng với báo chí: “Các đơn vị đã có thời gian chuẩn bị cho từng vận động viên nhưng một số người không gặp may mắn”. Huấn luyện viên của các đơn vị đều cho rằng khó phân tích về kết quả thi đấu nêu trên vì ngoài việc không muốn học trò bị xao động tâm lý và trong nghề cũng có sự tế nhị không muốn nhận xét về nhau. Mấu chốt của thất bại vẫn là chiến thuật thi đấu sai nên lực sĩ mất tinh thần và làm rơi tạ. Nguyên Vụ trưởng Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh cho biết: Về cơ bản, nếu nhiều VĐV bị rơi rụng tại giải vô địch quốc gia, có thể là do khâu chuẩn bị của từng đơn vị chưa tốt nhất. Sau giải, huấn luyện viên Huỳnh Hữu Chí của đoàn TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “VĐV không đạt được kết quả tốt thì họ buồn một, nhưng huấn luyện viên buồn mười. Dù sao, tôi nghĩ mỗi VĐV qua thất bại sẽ có thêm kinh nghiệm trưởng thành hơn”.
Năm 2016, cử tạ Việt Nam gặp cú sốc lớn là Thạch Kim Tuấn cùng Vương Thị Huyền dự Ô-lim-pích Ri-ô 2016 tại Bra-xin thất bại, không đạt được kết quả để xếp vị trí. Tuấn và Huyền không thành công trong cả ba lần cử giật ban đầu khi thi đấu. Bây giờ, Giải cử tạ vô địch quốc gia năm 2016 lại chứng kiến vấn đề tương tự khi ở hạng 56 kg nam có năm lực sĩ thi đấu thì ba người thất bại và không chọn được ai nhận Huy chương đồng. Hạng 69 kg nam có bảy vận động viên thi đấu, chỉ hai người được ghi nhận thành tích tổng do năm người khác rơi tạ thất bại. Hạng 58 kg nữ có sáu người thi đấu thì ba người rơi tạ và ba người thành công, đồng thời các trọng tài ghi nhận mức tổng cử 115 kg (thấp kỷ lục) vẫn giành được Huy chương đồng hạng cân.
Có thể nói, qua Giải cử tạ vô địch quốc gia năm 2016, vấn đề thành tích của bộ môn đã không còn là vấn đề của riêng Tổng cục Thể dục-Thể thao mà đã đến lúc từng đơn vị phải xem lại công tác chuẩn bị chuyên môn, đào tạo VĐV. Phó Vụ trưởng Thể thao thành tích cao 2 Đỗ Đình Kháng cho biết, bộ môn và Liên đoàn cử tạ Việt Nam sẽ phải phân tích đầy đủ về kết quả Giải cử tạ vô địch quốc gia vừa qua và lên kế hoạch thực hiện đầu tư cho đúng con người để tránh xảy ra thất bại trong các giải quốc tế quan trọng.